Diễn biến Chiến_dịch_Tia_Lửa

12 tháng 1: Chiến dịch mở màn

Quân đội Liên Xô tấn công trong ngày 12 tháng 1.

Vào đêm 11 rạng 12 tháng 1 năm 1943, ngay trước khi chiến dịch mở màn, hàng trăm máy bay Liên Xô tổ chức một cuộc không tập dữ dội vào các trụ sở tổng hành dinh cấp sư đoàn, các trận địa pháo, các sân bay và các trung tâm liên lạc của quân Đức nhằm làm rối loạn việc điều khiển, chỉ huy và phá hoại các con đường tiếp viện của kẻ địch.[23] Vào 9 giờ 30 sáng ngày 12 tháng 1, chiến dịch Tia Lửa mở màn với đợt bắn chuẩn bị kéo dài 2 giờ 20 phút của PDQ Leninhgrad và 1 giờ 45 phút của PDQ Volkhov. Tiếp đó, vào khoảng 5 phút trước khi đợt bắn chuẩn bị kết thúc, bộ binh Hồng quân bắt đầu tiến công với sự yểm hộ của một loạt tên lửa Katyusha nhằm khai thác tối đa hiệu quả của đợt bắn chuẩn bị.[24]

Phương diện quân Leningrad đạt được thành quả lớn nhất tại khu vực nằm giữa Shlisselburg và Gorodok 1. Tại đây, các sư đoàn bộ binh số 136 và 268 được pháo binh yểm hộ đã đánh chiếm một đầu cầu rộng chừng 5 kilômét (3,1 mi) và sâu 3 kilômét (1,9 mi).[24] Vào lúc 18 giờ các công binh đã xây dựng xong những chiếc cầu bắc ngang sông gần Mar'ino để cho các thê đội tiếp theo vượt lên. Tuy nhiên, ở phía Bắc, gần Gorodok, Hồng quân chỉ chiếm được tuyến chiến hào đầu tiên của quân Đức. Ở phía Bắc xa một chút nữa, đợt tấn công vào Shlisselburg thất bại. Đến chiều tối, bộ tư lệnh Phương diện quân quyết định sẽ khai thác những gì mà các sư đoàn 136 và 268 giành được, còn các lực lượng tấn công Shlisselburg từ phía sông Neva cũng sẽ được điều qua đây và sẽ tim cách đánh chiếm thành phố từ phía Nam.[25]

Phương diện quân Volkhov tiến quân ít thành công hơn khu Tập đoàn quân xung kích số 2 đã bao vây nhưng không thể thủ tiêu các cứ điểm mạnh của quân Đức tại Lipka và tại khu công nhân số 8. Trên thực tế, cứ điểm tại khu công nhân số 8 là một "pháo đài" thực sự với 16 boong ke và 700 quân đồn trú. Hỏa lực bắn từ hai bên sườn của những cứ điểm này khiến Hồng quân không thể tiến xa hơn, tuy nhiên dù sao Tập đoàn quân xung kích số 2 đã đột phá sâu được 2 kilômét (1,2 mi) giữa hai cứ điểm trên. Ở phía Nam, giữa khu công nhân số 8 và khu rừng Kruglaya thì Hồng quân tiến được 1–2 kilômét (0,62–1,24 mi), trong khi ở phía cực Nam, đòn đánh bọc sườn của Tập đoàn quân số 8 chỉ có thể xuyên phá được tuyến phòng thủ thứ nhất của quân Đức.[25]

Trước tình hình đó, quân Đức vội vã điều lực lượng dự bị của họ tới khu vực "cổ chai" và số viện binh này đã hành quân suốt đêm 12 tháng 1. Lực lượng tăng viện bao gồm 5 tiểu đoàn của sư đoàn bộ binh số 96, được hỗ trợ bởi pháo binh và 4 xe tăng Tiger I được điều tới Gorodok số 2 để tăng cường cho sư đoàn bộ binh số 170 ở phía Tây. Một lực lượng tương tự bao gồm các tiểu đoàn của sư đoàn bộ binh số 96 cũng được điều tới khu công nhân số 1 để hỗ trợ cho sư đoàn bộ binh số 227.[26]

13-17 tháng 1: Quân đội Liên Xô tiếp tục tấn công

Quân đội Liên Xô tiến công, cho đến trước ngày 18 tháng 1.

5 ngày sau đó là một chuỗi những trận đánh dữ dội và đẫm máu khi Hồng quân tiến quân qua các cứ điểm mạnh của quân Đức đồng thời phải liên tục đánh lui các đợt phản kích của quân địch. Vào ngày 13 tháng 1 thời tiết rất xấu, vì vậy Hồng quân không thể triển khai không quân hỗ trợ và thế là các đơn vị mặt đất chịu thiệt hại nặng nề nhưng không giành thêm được phần lãnh thổ nào.[27] Về phía Đức, các đợt phản kích của họ đều lần lượt bị bẻ gãy và họ buộc phải chuyển sang phòng ngự, củng cố trận tuyến và điều thêm các đơn vị từ những nơi còn yên tĩnh sang những khu vực trọng yếu. Các đơn vị tăng viện này bao gồm một phần của sư đoàn bộ binh số 1, sư đoàn bộ binh số 61, sư đoàn sơn cước số 5 và sư đoàn SS cảnh vệ số 4.[28]

Vào ngày 14 tháng 1, thời tiết chuyển biến tốt hơn và Hồng quân đã có thể sử dụng không quân để yểm hộ cho các đơn vị mặt đất. Quân đội Liên Xô cũng tiếp tục những đợt công kích - cho dù đà tiến binh vẫn còn chậm. Nhằm tăng tốc độ bao vây cứ điểm Lipka, phía Liên Xô sử dụng lữ đoàn trượt tuyết số 12 di chuyển qua bề mặt đóng băng của hồ Ladoga và tập kích quân Đức từ phía sau. Đến cuối ngày, quân Đức tại Lipka và Shlisselburg đã gần như bị cắt khỏi lực lượng chính.[29]

Suốt từ ngày 15 đến 17 tháng 1 năm 1943, hai phương diện quân Volkhov và Leningrad tiếp tục tấn công, nhích lại gần nhau, lần lượt hạ gục các cứ điểm ở khu công nhân số 3, 4, 7, 8, giải phóng phần lớn Shlisselburg. Đến cuối ngày 17 tháng 1, hai phương diện quân chỉ còn cách nhau chứng 1,5–2 kilômét (0,93–1,24 mi)[Chuyển đổi: Số không hợp lệ] tại vị trí giữa khu công nhân số 1 và 5.[30] Cũng trong thời gian này, vào ngày 15 tháng 1, L. A. Govorov được phong hàm Thượng tướng.[31]

18-21 tháng 1: Đục thủng vòng vây, nối liền hành lang Leningrad

Quân đội Liên Xô tiến công, cho đến trước ngày 22 tháng 1

Vào 9 giờ 30 phút sáng ngày 18 tháng 1, các đơn vị tiên phong của sư đoàn bộ binh số 123 của Tập đoàn quân số 67 và sư đoàn bộ binh số 372 của Tập đoàn quân xung kích số 2 đã gặp nhau tại gần khu công nhân số 1.[32] Như vậy, vòng phong tỏa của quân Đức đối với Leningrad - về mặt kỹ thuật - đã bị đục thủng. Ngày 18 tháng 1 trở thành một thời khắc quan trọng trong trận chiến bảo vệ Leningrad. Sau sự kiện này, khối quân Đức phía Bắc khu công nhân bị cắt rời khỏi lực lượng chính. Cụm tác chiến Hühner, bao gồm 2 đơn vị tác chiến dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Werner Hühner - tư lệnh sư đoàn bộ binh số 61, vốn được giao nhiệm vụ trấn thủ hành lang giữa khu công nhân số 1 và số 5 nhưng bây giờ thì không thể nào thực hiện nhiệm vụ này được nữa. Vào cùng ngày, Hồng quân Liên Xô giải phóng khu công nhân số 5 và đánh lui một đợt phản kích của quân Đức tại đây. Các đơn vị tiên phong của sư đoàn bộ binh số 136 của Tập đoàn quân số 67 và sư đoàn bộ binh số 18 của Tập đoàn quân xung kích số 2 cũng đã gặp nhau ở phía Bắc của khu công nhân vào lúc 11 giờ 45 phút.[32][33] Cụm tác chiến Hühner bây giờ cũng bị cắt rời khỏi lực lượng chính và được lệnh phải vây chạy thoát về phía điểm cao Sinyavino trước khi quân đội Liên Xô kịp tới đây để khóa vòng vây. Cụm tác chiến Hühner buộc phải bỏ lại hết tất cả số đại bác và trang bị nặng[29] và chạy thục mạng trong làn mưa bom bão đạn của quân đội Xô Viết cho đến khi tiếp cận cao điểm Sinyavino vào ngày 19-20 tháng 1. Cho đến đầu buổi chiều, quân đội Liên Xô cũng đã thủ tiêu các cứ điểm Shlisselburg, Lipka và bắt đầu thanh toán hết số quân Đức còn bị kẹt trong những khu rừng phía Nam hồ Ladoga.[34]

Bản đồ tổng thể Chiến dịch "Tia Lửa"

Trước tình hình vòng vây Leningrad đã bị đục thủng, Hitler la lối, khiển trách tướng Georg Lindemann về thất bại này. Ông ta yêu cầu: "Tập đoàn quân 18 không được lùi một bước, phải giữ Leningrad trong vòng phong toả". Tuy nhiên, do đã điều động quá nhiều xe tăng, thiết giáp cho phía Nam mặt trận Xô- Đức, quân đội Đức Quốc xã không còn các binh đoàn cơ giới đủ mạnh để phản kích lấy lại khu vực "cổ chai" Shlisselburg.[35] Mặc dù vẫn còn sử dụng được pháo binh từ cứ điểm Sinyavino để bắn phá thành phố nhưng về cơ bản, kế hoạch bóp chết Leningrad trong vòng phong tỏa của quân đội Đức Quốc xã đã hoàn toàn thất bại. Vòng phong tỏa Leningrad đã bị phá vỡ sau 871 ngày đêm tồn tại.[36]

Xe tăng Liên Xô tấn công qua mặt băng trên hồ Ladoga

Trong suốt từ ngày 19 đến 21 tháng 1, quân đội Liên Xô một mặt vừa tập trung tảo thanh các đội quân Đức còn sót lại trong khu vực "cổ chai", mặt khác cũng tìm cách mở rộng hành lang Leningrad về phía Nam với mục tiêu là đánh chiếm điểm cao Sinyavino. Tuy nhiên, Tập đoàn quân số 18 của Đức đã tăng cường lực lượng bố phòng tại đây với các sư đoàn cảnh vệ SS, sư đoàn bộ binh số 21 và sau đó là sư đoàn bộ binh số 11 và sư đoàn sơn cước số 28. Hồng quân Liên Xô đã giải phóng khu công nhân số 6 nhưng không thể mở rộng hành lang Leningrad thêm được nữa.[8]

22-30 tháng 1: Củng cố mặt trận, xây dựng tuyến đường tiếp tế

Tình hình trận tuyến không có thay đổi gì kể từ sau ngày 21 tháng 1. Nhận thấy không thể mở rộng hành lang Leningrad thêm nữa, quân đội Liên Xô chuyển sang phòng ngự và củng cố khu vực này nhằm đảm bảo quân Đức không thể tái lập vòng phong tỏa. Chiến dịch Tia Lửa được chính thức kết thúc vào ngày 30 tháng 1. Trước đó, ngày 18 tháng 1, Hội đồng Quốc phòng Nhà nước (GKO) đã thảo kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt nối liền Leningrad với nội địa Liên Xô và vào ngày 22 tháng 1 thì bắt đầu khởi công. Theo kế hoạch, tuyến đường phải được xây dựng xong trong vòng 20 ngày, tuy nhiên nó đã được hoàn thành trước thời hạn và bắt đầu vận hành vào ngày 6 tháng 2 năm 1943.[37]